Kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Vào năm 2001, một số Công viên địa chất (CVĐC) quốc gia ra đời và bắt đầu hợp tác với UNESCO trong công cuộc bảo tồn các giá trị địa học. Và sau đó, năm 2004, 17 công viên địa chất châu Âu và 8 công viên địa chất Trung Quốc đã cùng nhau đến trụ sở UNESCO ở Paris để thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN). Mạng lưới hợp tác toàn cầu giữa các Công viên địa chất trên toàn thế giới ra đời nhằm thúc đẩy ba mục tiêu chính là 1) bảo tồn di sản địa chất và hành tinh Trái đất, 2) giáo dục cộng đồng về Khoa học Trái đất và 3) thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Là thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO, các CVĐC có thể quảng bá, bảo tồn các di sản quốc gia và hưởng được nhiều lợi ích qua sự trao đổi và hợp tác toàn cầu trong mạng lưới.

Cho đến tháng 04/2024, GGN đã phát triển được 213 Công viên địa chất ở 48 quốc gia. CVĐC toàn cầu UNESCO đã trở thành một công cụ ngày càng quan trọng để UNESCO thu hút các Quốc gia Thành viên và cộng đồng của họ tham gia vào Khoa học Trái đất và bảo tồn địa di sản.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu ra mắt một logo đặc biệt.

Vào ngày 22/4/2024, Ngày Trái Đất, GGN đã công bố các cuộc thi hướng đến dịp kỷ niệm đặc biệt này, với chủ đề “Công viên địa chất và bạn”, các cuộc thi xoay quanh sự cảm nhận, và tình yêu của bạn dành cho CVĐCTC – dù bạn sống trong CVĐCTC hay không, bạn tìm thấy một sợi dây liên kết nào đó giữa mình với CVĐC, hãy tham gia cùng 20 năm GGN và các CVĐC toàn cầu UNESCO tại Việt Nam.

  1. Hành trình trải nghiệm Trực quan Trái đất (The Earth Visual Odyssey) dành cho tất cả các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới, không phân biệt tuổi tác.
  2. Câu chuyện của đá (The Stone’s Stories) Dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác.
  3. 5 Giác quan về Công viên Địa chất của bạn (The 5 Senses of Your Geopark) dành cho các bạn trẻ từ 12-18 tuổi

Để biết thêm thông tin các cuộc thi và đăng ký, xin truy cập https://ggn20anniversary.com/vi

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chào mừng 20 năm GGN, Ngày 10-15/9/2024: Hội nghị chuyên đề Mạng lưới Công viên địa chất Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, Việt Nam  với chủ đề: “Người dân bản địa và dân tộc thiểu số với sự phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”. Hội nghị bao gồm các phiên họp chuyên đề với các chủ đề đa dạng, từ giá trị di sản địa chất, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tới các hoạt động của Công viên địa chất toàn cầu gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc theo chương trình nghị sự 2030, các hoạt động giáo dục về Công viên địa chất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…, các hoạt động trưng bày, gian hàng quảng bá Công viên địa chất.

Chủ đề các phiên hội thảo chuyên đề:

  • Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC
  • Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với BĐKH
  • Điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản
  • CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững
  • Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC
  • Khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC

Thông tin chi tiết tại https://www.apgn2024.vn/vi

#UNESCOGlobalGeoparks, #GlobalGeoparksNetwork, #20thanniversaryggn

Vì sao Đa dạng địa học lại quan trọng?

Vào ngày 06/10/2023, Ngày Quốc tế Đa dạng địa học sẽ được tổ chức lần thứ hai trên thế giới với chủ đề là ” Đa dạng địa học dành cho mọi người”. Chủ đề năm nay phản ánh rằng đa dạng địa học ở xung quanh chúng ta và ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người dù họ ở đâu trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi hơn vào giáo dục và nghề nghiệp khoa học địa chất. Trong bài viết dưới đây, mời các độc giả cùng Địa môi trường lý giải xem vì sao đa dạng địa học lại quan trọng đối với Trái đất và với chúng ta như vậy. Bài viết được lược dịch từ Website của geodiversity.org.

  1. Điều hòa các quá trình tự nhiên: Đá và các quá trình địa chất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa. Ví dụ như, dòng chảy của một con sông được điều hòa bởi mực nước dưới đất, vì thế mùa kiệt sông vẫn có thể chảy. Đá và trầm tích cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch nước mặt trước khi vào tầng ngậm nước.

2. Hình thành đất và nông nghiệp: Phong hóa đá là quá trình cơ bản hình thành đất, nền tảng của nông nghiệp, ngành nghề cung cấp cho con người nguồn lương thực, thực phẩm. Cụ thể, đối với một số quốc gia đang phát triển ở châu Phi và những lục địa khác, nâng cao chất lượng môi trường đất và nước, giảm thiểu xói mòn đất  là vô cùng quan trọng và cần thiết.

3. Sự sống trên Trái Đất: Đa dạng địa học là nền móng cho đa dạng sinh học.

4. Sự phát triển kinh tế – xã hội: Loài người cũng dựa vào sự đa dạng về tài nguyên địa chất. Họ đã biết sử dụng tài nguyên khoáng sản từ thuở sơ khai, và bây giờ chúng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội hiện đại ngày nay. Nếu sử dụng một cách bền vững, nguồn khoáng sản dồi dào tạo nên sự thịnh vượng, phát đạt, môi trường tự nhiên xã hội đầy sức sống và hòa bình.

Ngoài ra, vấn đề phát triển các siêu đô thị về số lượng và quy mô tạo ra thách thức khổng lồ. Sự ứng dụng kiến thức địa học để xây dựng, hỗ trợ công trình kiến trúc cho cơ sở hạ tầng ở mọi kích cỡ: đập, đường xá, đường hầm, tòa nhà, đường băng, bến cảng, đường ống dẫn dầu.

5. Quản lý và ngăn chặn thiên tai: Kiến thức khoa học về các quá trình địa chất địa mạo xảy ra trong tự nhiên vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn thiên tai với con người (động đất, sống thần, núi lửa, lũ lụt, trượt đất) và để hỗ trợ đưa ra các quyết định thông minh về quy hoạch đất đai và quản lý không gian.

6. Dự báo và thích nghi: Khoa học dựa vào đa dạng địa học góp phần hiểu biết về biến đổi khí hậu trong quá khứ. Kiến thức này có thể ứng dụng để hiểu hơn cách khí hậu có thể biến đổi trong tương lai, cho phép con người thích nghi hiệu quả hơn.

7. Lợi ích kinh tế: Đa dạng địa học đặc trưng bởi những cảnh quan tuyệt đẹp như núi, hang động, bờ biển, … phục vụ cho địa du lịch. Điều này tạo ra tiềm năng lợi ích kinh tế và dân địa phương.

8. Giáo dục và thách thức tương lai: Đa dạng địa học hiện diện đầy đủ như một phòng thí nghiệm ngoài trời, cũng là nơi minh họa cho sách giáo khoa, truyền đạt cho các thế hệ sau về lịch sử Trái Đất, làm thế nào để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên Trái Đất và cách thức  khoa học cần phải làm để vượt qua những thách thức trong tương lai.

Như vậy, có thể kết luận rằng, đa dạng địa học là nền tảng của cộng đồng, là phần nội tại trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Hãy cùng Địa Môi trường lan tỏa khái niệm này đến mọi người xung quanh bạn nhé.

Let’s Celebrate International Geodiversity Day!

Quế Nam – Phương Chi

Hội thảo khoa học Địa chất Đệ tứ Việt Nam Kết quả nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng

Ngày 14/07/2023, Hội thảo khoa học Địa chất Đệ tứ Việt Nam, Kết quả nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng đã được tổ chức tại Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam dưới sự phối hợp tổ chức của ba đơn vị và Hội Đệ Tứ – Địa mạo Việt Nam, Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam và Phân viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phía Nam.

Phần 1- Phát biểu khai mạc, chào mừng Hội thảo. Giới thiệu chương trình, mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu Đệ tứ trong giai đoạn mới ở đồng bằng Nam Bộ

Phần 2- Các báo cáo Khoa học tại hội thảo. Tại hội thảo 6 bài báo cáo tham luận của các nhà Khoa học đã được trình bày.

  1. Một số ứng dụng từ cuốn sách “ Địa chất Đệ tứ Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đức Tâm, 2022 – Trình bày: KS. Nguyễn Đức Tâm
    • Địa chất Đệ tứ Việt Nam là 01 cuốn sách lớn, hệ thống hoá kết quả nghiên cứu hơn nửa thế kỷ về địa chất Đệ tứ ở Việt nam và của chính tác giả . Nội dung vừa có tính khái quát, vừa có những điểm nhấn, cụ thể, chi tiết hoá; có phần ứng dụng và định hướng ứng dụng, đề xuất nghiên cứu tiếp. Khái quát thể hiện ở bản đồ Địa chất Đệ tứ Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000, thang địa tầng và các mặt cắt trầm tích Đệ tứ và các mô tả với rất nhiều ảnh chụp minh hoạ kèm theo ở các đồng bằng và dải đồng bằng lớn. Chi tiết và đặc biệt chi tiết khi xác định, liên hệ các tầng trầm tích, các bậc thềm biển, các di chỉ khảo cổ học với nhau và với các đợt biển tiến Yên Mô tuổi Pleistocen giữa; biển tiến Cát Lâm, Bỉm Sơn, Vĩnh Phúc tuổi Pleistocen muộn; biển tiến Đống Đa, biển lấn Quảng Xương, biển tiến hiện đại tuổi Holocen. Nhiểu vấn đề ứng dụng liên quan với kết quả nghiên cứu tài nguyên, môi trường, văn hoá – lịch sử cũng có trong cuốn sách.
    • Nội dung cuốn sách rất phong phú nhưng trong khuôn khổ Hội thảo, Tác giả tập trung giới thiệu 05 ứng dụng liên quan với cuốn sách của mình: 1)- Tài liệu trầm tích Đệ tứ Việt nam và ứng dụng cho Địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, tìm kiếm khoáng sản, nghiên cứu cải tạo thổ nhưỡng; 2)-Tài liệu khảo cổ học và ứng dụng cho nghiên cứu lịch sử hình thành loài người ở Việt Nam và Đông Nam Á; 3)- Tài liệu về biến đổi khí hậu hiện đại vả ưng dụng cho qui hoạch lại sản xuất – dân cư và bảo vệ môi trường vùng miền ven biển; 4)- Về đảo cực từ trường quả đất và ứng dụng để tìm hiểu ảnh hưởng đến môi trường; 5)- Những việc cần làm.
  2. Đặc điểm các trầm tích Holocen ở đồng bằng Thừa Thiên Huế, tai biến địa chất và di sản địa chất liên quan – Trình bày: TS. Vũ Quang Lân
    • TS. Vũ Quang Lân, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Bắc, chủ biên, tác giả của nhiều đề án đo vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản tỷ lệ 1/50.000; trong đó có các đề án ở đồng án ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng đồng bằng Thừa Thiên – Huế.
    • Báo cáo tập trung trình bày 03 vấn đề: 1)- Đặc điềm các trầm tích Holocen; 2)-Tai biến địa chất liên quan với các trầm tích Holocen; 3)- Tiềm năng di sản địa chất; du lịch địa chất; đáp ứng lịch văn hoá liên quan với các trầm tích Holocen.
  3. Giới thiệu về Geosite và Geodiversity – Trình bày: PGS.TS Hà Quang Hải
    • PGS.TS. Hà Quang Hải, nguyên là Chủ nhiệm khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp Hồ Chí Minh; cùng với KS. Ma Công Cọ đồng chủ nhiệm đề án đo vẽ địa chất, tìm kiếm khoáng Tp Hồ Chí Minh tỷ lệ 1/50.000, năm 1988; chuyên gia địa mạo – địa chất, môi trường, địa chất môi trường. PGS.TS. Hà Quang Hải là một trong số ít người đã sớm tiếp cận khái niệm Geosite và Geodiversty, đưa chúng vào nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy ở Việt Nam, đã hướng dẫn 01 NCS bảo vệ thành công luận án TS về Geosite và Geodiversty.
    • Báo cáo khẳng định Geosite (di sản địa chất) là 01 phần của địa quyển có ý nghĩa quan trọng đặc biệt để nhận thưc về lịch sử trái đất; là 01 dạng tài nguyên địa chất có giá trị, rất có giá trị; cần quan tâm, nghiên cứu, quy hoạch, quảng bá, bảo vệ và bảo tồn, khai thác để phát triển du lịch, kinh tế – xã hội. Các khái niệm Geosite và Geodiversity (đa dạng địa học); các tiêu chí xác định chính, các giá trị bổ sung và mối quan hệ của chúng đối với nhau được trình bày rõ ràng trong báo cáo.
  4. Lựa chọn phương pháp mới trong Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 vùng đồng bằng châu thổ Việt Nam – Trình bày: ThS. Nguyễn Thị Thu Thủy
    • ThS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, phó phòng Kỹ thuật Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam, rất tâm huyết với việc xây dựng cơ sở dữ liệu, xử lý, chia sẻ, khai thác dữ liệu theo công nghệ tin học 4.0 và các phương pháp nghiên cứu hiện đại.
    • Báo cáo trình bày tại Hội thảo của ThS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ, một mặt, nêu những hạn chế của các phương pháp nghiên cứu truyền thống, hạn chế của việc áp dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực địa chất hiện nay; mặt khác, nêu lên sự cần thiết, khả năng và hiệu quả, lợi ích to lớn của việc áp dụng triệt để công nghệ tin học và các phương pháp nghiên cứu hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu địa chất địa chất, khoáng sản, địa chất môi trường đa mục tiêu.
  5. Giới thiệu giải pháp sáng chế “ Đập mở để ngăn thủy triều và giữ nước sông” – Trình bày: TS Hoàng Ngọc Kỷ
    • TS. Hoàng Ngọc Kỷ sinh năm 1936, nhà địa chất lão thành; từng là chủ biên 4 phương án đo vẽ bản đo vẽ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1/200.000 cụm tờ Hà Nội, Hải Phòng – Nam Định, Thanh Hoá –Vinh và Đồng bằng Nam Bộ; là một trong các tác giả của Bản đồ địa chất và Khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 – công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005. Ông đã có 03 công trình được in ấn, xuất bản: chủ biên chuyên khảo “Loess nguồn gốc gió ở Việt Nam và Đông Nam Á”; tác giả cuốn sách “Địa chất và môi trường Đệ Tứ Việt Nam; tác giả cuốn sách “An ninh Môi trường – Hiểm họa và phương pháp phòng chống”.
    • Báo cáo Giới thiệu giải pháp sáng chế “Đập mở để ngăn thuỷ triều và giữ nước sông” là 01 ý tưởng khoa học liên quan với nền móng công trình; trầm tích và quá trình địa chất, địa mạo, thuỷ văn, thuỷ triều hiện đại. Mục tiêu của giải pháp là chủ động trữ nước ngọt, hạn chế ảnh hưởng của thuỷ triều, xâm nhập mặn; phục vụ sản xuất và dân sinh trên các đồng bằng và đô thi ven biển; bảo đảm giao thông thuỷ; giảm chi phí xây dựng, vận hành, bảo trì đập. Giải pháp đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế độc quyền số 1901 ngày 25/4/2019; ngày 5/4/2023 đã được UBND Tp Hồ Chí Minh cho phép tổ chức nghiên cứu thử nghiệm.
    • Tác giả dự kiến chọn 01 trong 2 cửa kênh: Tham Lương hoặc Gò Công để tổ chức nghiên cứu thử nghiệm, kêu gọi các nhà khoa học chia sẻ, cùng hợp tác lập dự án và nghiên cứu.
  6. Một vài vấn đề từ các kết quả nghiên cứu trượt lở đất, đứt gãy, địa mạo thủy văn – Trình bày: TS. Vũ Văn Vĩnh.
    • TS. Vũ Văn Vĩnh, Phó chủ tịch Hội Đệ tứ – Địa mạo Việt Nam, tác giả thành phần của hơn 15 đề án điều tra nghiên cứu địa chất – khoáng sản, lập bản đồ địa mạo tỷ lệ 1/200.000, 1/50.000; địa chất đô thị tỷ lệ 1/25.000. Là chủ biên hoặc tác giả chính của nhiều đề tài nghiên cứu về môi trường địa chất, tai biến địa chất, địa mạo thuỷ văn; phân tích địa mạo phát hiện, xác định các đứt gãy, miệng núi lửa phục vụ việc tìm kiếm nước dưới đất; xác định và dự báo trượt lở đất, lún sụt đất, biến dạng nền đất.
    • Nứt trượt lở đất ở Đak Nông do 2 nguyên nhân: 1)- Nguyên nhân sâu xa là điều kiện cần cho trượt lở đất – Xung yếu về địa chất và bất ổn về địa mạo. 2)- Nguyên nhân trực tiếp là điều kiện đủ – Tác động bất thường, kích thích như do mưa lớn tập trung dài ngày; do tác động nhân sinh,…Nơi xung yếu về địa chất là nơi có các miệng nón núi lửa, có các đứt gãy, đặc biệt rõ và mạnh mẽ ở nơi chúng tập trung, nơi giao nhau của chúng. Nơi bất ổn về địa mạo là nơi xâm thực sâu hoặc xâm thực ngang cắt vào chúng, cắt chân khối trượt. Các miệng nón núi lửa được nhận dạng dựa trên thuyết hiện tại luận, bắt đầu từ các miệng nón núi lửa tuổi Holocen, Pleistocen muộn. Các đứt gãy được phát hiện, xác định bằng phân tích địa mạo đều có cơ sở địa chất, tài liệu địa chất, địa vật lý kiểm chứng.
    • Dựa theo nguyên nhân đã được xác định năm 2005 phân tích địa mạo đã phát hiện thêm nhiểu cung trượt mới và cũ; đã dự đoán nguy cơ nứt trượt lở đất cho các địa chỉ khu, tuyến, điểm cụ thể. Kết qủa dự báo năm 2005 còn được kiểm chứng là tin cậy khi nứt trượt lở đất xảy ra ở Đak Nông vào tháng 6/2006, tháng 9/2007.
    • Có thể xem nguyên nhân nứt trượt lở đất ở Đak Nông là công thức chung cho việc xác định nguyên nhân, dự báo nứt trượt lở đất ở những vùng phát triển các đá không phải là bazan, dự báo sạt lở bờ sông.
Chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Đến với Hội thảo, thay mặt tập thể tác giả, PGS. TS Tạ Hòa Phương (Chủ biên) và PGS.TS Đặng Văn Bào đã gửi tặng các đơn vị ấn phẩm “ Kỳ quan hang động Quảng Bình Việt Nam”.

Hội thảo sẽ là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và có thể sẽ tạo ra cơ hội để các nhà khoa học lão thành, đã có tuổi và các thế hệ trẻ thuộc nhiều hướng chuyên sâu khác nhau có thể hợp tác với nhau trong giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trong điều tra cơ bản về địa chất nói chung, địa chất Đệ tứ – địa mạo, hướng tới sử dụng bền vững các dạng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

Hội thảo kết thúc với một số kết luận về những gợi mở cho các hướng nghiên cứu tiếp theo về địa chất Đệ tứ. Trong bối cảnh hội nhập, các kỹ thuật mới không ngừng phát triển sẽ là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành Địa chất. Một tín hiệu vui là các vấn đề liên quan đến “địa di sản” đã được trình bày và thảo luận qua hầu hết các chủ đề báo cáo và hứa hẹn sẽ là một định hướng nghiên cứu được các nhà địa chất quan tâm trong thời gian tới đây.

Phương Chi ghi từ Các kết quả của Hội thảo.

NHẬT KÝ THỰC ĐỊA KHÁM PHÁ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG 

Quế Nam

Phần 2: Khám phá hang động núi lửa và cánh đồng dung nham Nâm B’lang 

Khác với những hang động Karst kỳ vĩ ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam hình thành từ hoạt động ngoại sinh, hệ thống hang động của CVĐC toàn cầu Đắk Nông được hình thành từ hoạt động nội sinh của Trái Đất – phun trào núi lửa. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra ít nhất 50 hang động núi lửa (lava tube), liên quan chặt chẽ đến hoạt động của núi lửa Nâm B’lang ở xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô. Nổi bật nhất là hang C7 dài 1.217m (vừa mới được phát hiện thêm 150m) dài nhất khu vực Đông Nam Á. 

  • ĐN04, 05 – Hệ thống hang động núi lửa C3-C4, C6.1 

Trong chuyến thực địa này, các nhóm khám phá sẽ được chia nhỏ ra để lần lượt vào các hang khác nhau, tùy vào khả năng tiếp cận của hang (có hang cửa vào là hố sụt nên cần phải có thang dây leo vào) và kinh nghiệm của du khách (thể lực và biết sử dụng thiết bị SRT). Nhóm chúng tôi được xếp vào các nhóm hang dễ tiếp cận đó là: C3-C4 và C6.1 vào ngày 25 tháng 11, và C8, C9 vào ngày 26 tháng 11. 

9g sáng, chúng tôi xuống xe và  đi bộ vào rừng khoảng 3km để đến được cửa hang C3-C4. Đoàn chúng tôi được anh Tuấn từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản dẫn đường đến các cửa hang. 

Hang C3-C4 thông nhau và có 2 cửa riêng biệt. Hang cao 20m và rộng khoảng 15m, tổng chiều dài 903,7m. Các cửa hang hình thành do trần của ống dung nham sập xuống để lại những khối đá khổng lồ nên dễ dàng cho chúng tôi leo vào. 

Mỗi thành viên trong đoàn được trang bị 1 nón bảo hiểm và 1 đèn pin để quan sát và di chuyển trong hang. Mỗi một chi tiết bên trong hang động, trên tường hang hoặc trên trần hang đều thể hiện các dấu vết của dòng dung nham đã từng chảy qua và từ đó các nhà khoa học biết được đặc tính của dung nham. 

Hình 1. Cửa hang C3 
Hình 2. Các chuyên gia trong hang động khám phá trong hang C3

Hang C6.1: Sau bữa ăn trưa ở trại láng, chúng tôi tiếp tục khám phá hang 6.1, nơi có dấu vết của người tiền sử. 

Hang 6.1 được tìm ra vào năm 2015. Cửa hang hình thành do sập trần nhà có chiều rộng 20m và nằm ở độ sâu 7m, ngăn lối đi ở phía nam. Hang khá ngắn, trần hang có nhiều nơi yếu và hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Các ngấn dung nham dễ dàng tìm thấy ở cửa hang. Hệ sinh thái tại cửa hang rất phong phú và ấn tượng với cây môn khổng lồ. Trong hang có rất nhiều dơi nên người dân cũng từng đến đây khai thác phân dơi. Vô tình, họ tìm thấy nhiều đồ tạo tác khảo cổ như: rìu bầu dụng, mảnh gỗ và đồ gốm. Năm 2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành khai quật và phát hiện di cốt người tiền sử đầu tiên ở Tây Nguyên. 

Hình 3. Phương Khanh tại cửa hang C6.1 có ngấn dung nham 
Hình 4. Di tích khai quật mộ của người tiền sử ở hang C6.1, trần hang yếu 
  • ĐN06 – Thác Gia Long 

Thác Gia Long trước kia có tên là Dray Sap Thượng. Trong một lần dạo thăm, vua Bảo Đại đã đặt tên là thác Gia Long. Cũng như Dray Sap, thác Gia Long được hình thành từ dòng chảy basalt của núi lửa Nâm B’lang. Đứng từ trên, chúng tôi dễ dàng quan sát các dạng basalt cột tách rời bao quanh bởi dòng nước màu ngọc bích đặc trưng. 

Hình 6. Thác Gia Long

Ngày 26 tháng 11: Tham quan núi lửa Nam B’lang và hang C8, C9

  • ĐN07 – Núi lửa Nâm Blang và cánh đồng núi lửa. 

Buổi sáng thức dậy, sau khi check out phòng, xe đưa chúng tôi đến địa điểm tập kết tại khách sạn Quốc Huấn. Tại đây, chúng tôi được nhập đoàn mới và trekking băng qua cánh đồng núi lửa Nâm B’lang để đi đến hang C8 và C9 tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô . 

Con đường băng qua cánh đồng vô cùng nên thơ. Xa xa là những luống ngô đã thu hoạch xong, điểm xuyến cùng đồng hoa xuyến chi reo mình trong gió. Trên đường đi, chúng tôi cũng được ngắm núi lửa mẹ Nâm B’lang có tuổi Pleisstocen giữa (trẻ nhất là 199 nghìn năm và cổ nhất là 689 nghìn năm). 

Hình 7. Núi lửa Nâm B’lang nhìn từ xa
  • ĐN 08,09 – Hang động núi lửa C8, C9

Hang C8 và C9 được đánh giá là khá đẹp và dễ dàng đi vào. Chúng tôi mất khoảng hơn 45 phút mới tiếp cận được miệng hang. Hang C8 có cơ chế hình thành vô cùng phức tạp nhưng cũng rất thú vị. Nơi đây như một bảo tàng sống động về nội thất bên trong hang núi lửa như: thạch nhũ nguyên sinh, thạch nhũ thứ sinh, pahoehoe, gò than đá (dấu tích của cây cối đã bị đốt), giếng trời “skylight”, vòm hang, … 

Hang C9 ngắn hơn (dài 131,7 m). Điểm đặc biệt của hang là có 1 hố sụt rất lớn và hệ sinh thái khổng lồ tại cửa hang động. 

Lời kết  

Nhóm đã có một hành trình tuyệt vời cùng những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. Các di sản địa chất – địa mạo cũng như văn hóa lịch sử là kho báu vô cùng đáng giá của CVĐCTC Đắk Nông. Chuyến đi này là tài nguyên rất hữu ích cho những bài giảng trong giáo dục địa môi trường về sau. 

Trong lần băng rừng đến hang C3, tôi đã có dịp trò chuyện cùng một chuyên gia người Anh vô cùng thân thiện. Bác kể rất nhiều về vấn đề phát triển bền vững, làm thế nào để có tiếng nói chung về lợi ích kinh tế và môi trường. “It’s about for the long-term”- “Nó dành cho một quá trình dài lâu”. Điều quan trọng là sự lựa chọn cho sự tồn tại lâu dài của những tài nguyên mà bạn đang sử dụng để phục vụ cho mình. Phát triển địa du lịch chính là sự lựa chọn cho tính bền vững này. 

Lời cảm ơn 

Qua đây, nhóm địa môi trường xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông, chị Tôn Thị Ngọc Hanh, cũng như các anh chị trong ban tổ chức, điều hành tour, cộng tác viên: anh Ngọc Bảo, chị Thu Nguyên, anh Hưng, anh Nhật Linh, chị Hoàng Anh, chị Bạch Vân, chị Hằng, chị Diệu,..  cùng tất cả các anh chị khác đã hỗ trợ vô cùng nhiệt tình. 

Nhóm cũng xin cảm ơn đến các anh chị đã đồng hành cùng 2 cô trò trong chuyến thực địa 3 ngày 2 đêm khám phá CVĐCTC Đắk Nông: chị Hạnh, anh Tuấn, anh Hưng, chị Inna, chị Alice, bà Julia cùng tất cả các chuyên gia địa chất, núi lửa học, khảo cổ học,…Tất cả là sự động viên tinh thần to lớn dành cho cô trò qua hành trình chinh phục các hang động tuyệt vời này. 

NHẬT KÝ THỰC ĐỊA KHÁM PHÁ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẮK NÔNG 

Quế Nam

Phần 1:  Chuyến đi Gia Nghĩa – Krông Nô

Mở đầu

Trong khuôn khổ của Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20, nhóm địa môi trường chúng tôi (cô Quế Nam và bạn Phương Khanh – học viên cao học đang làm đề tài về địa du lịch) đã có cơ hội được tham quan một số điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (CVĐCTC Đắk Nông) và nhất là được trải nghiệm một sản phẩm địa du lịch vô cùng thú vị đó là: khám phá hang động núi lửa. Chuyến thực địa kéo dài 3 ngày 2 đêm  từ ngày 24 – 26/11. 

Sau đây là một số ghi chép và hình ảnh mà chúng tôi đã ghi nhận trong hành trình vừa rồi. 

Ngày 24 tháng  11: Xuất phát từ thành phố Gia Nghĩa đi huyện Krông Nô  

  • ĐN01 – Bảo tàng âm thanh 

Từ Trung tâm hội nghị tỉnh ở thành phố Gia Nghĩa, trưa ngày 24 tháng 11, chúng tôi được đưa với địa điểm đầu tiên đó là Trung tâm văn hóa Đắk Nông. Ngoài trời lúc này mưa nhẹ và nhiệt độ khá mát mẻ khoảng 23oC. 

Tại đây, chúng tôi được tham quan Bảo tàng âm thanh – Explora of the Sounds. Đó là 7 căn phòng đại diện cho 7 âm thanh khác nhau được phát ra từ đá, nước, lửa, gỗ, không khí, ánh sáng và con người. Nơi đây sử dụng công nghệ hiện đại cùng với các loại nhạc cụ của dân tộc thiểu số: đàn đá, cồng chiêng,… để tạo ra những trải nghiệm cho du khách.  Với chủ đề chính “Xứ sở của những âm điệu”, bảo tàng là ca khúc chủ đề mở màng cho hàng hoạt những âm thanh sống động sau này mà chúng tôi được trải nghiệm. 

Được lắng nghe những câu chuyện mà các chị thuyết minh giải thích, được tận mắt cảm nhận nguồn năng lượng của chính mình qua đá và hiểu câu chuyện về sự tâm huyết của Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông, chúng tôi thật sự được thuyết phục bởi sự chỉnh chu và đầu tư nghiêm túc cho nơi này.

  • ĐN 02 – Núi lửa Băng Mo

Đi dọc theo quốc lộ 14 từ Gia Nghĩa lên huyện Krông Nô, xe chúng tôi ghé thăm trang trại trồng cao su – ca cao, cũng như đi ngang chiêm ngưỡng vẻ đẹp từ xa của 1 trong 5 nón núi lửa thuộc CVĐCTC Đắk Nông, núi lửa Nâm Glê (núi lửa Thuận An) thuộc xã Thuận An huyện Đắk Mil. 4 nón núi lửa còn lại đó là núi lửa Nâm Blang (Chư R’luh) và cụm núi lửa Nam Kar thuộc huyện Krông Nô, núi lửa Băng Mo (Ea Tlinh) và núi lửa âm Nam Dơng thuộc huyện Cư Jút.  

Buổi chiều hôm ấy, dừng lại geosite đầu tiên, núi lửa Băng Mo tại thị trấn Ea T’ling của huyện Cư Jút lúc 4g00, chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ phía Ban lãnh đạo huyện và các bạn Đoàn thanh niên. 

Núi lửa Băng Mo là nón núi lửa có hình dạng cân đối nhất trong 5 nón núi lửa ở đây. Con đường bộ đi vào chân núi tương đối bằng phẳng và chỉ mất khoảng 20 phút từ chân để leo đến đỉnh. Núi lửa Băng Mo gồm ít nhất 2 miệng ứng với ít nhất 2 đợt phun trào: Một miệng có niên đại lớn hơn với đường kính khoảng 673m với chiều cao 82m, độ cao 420m so với mực nước biển; miệng còn lại trẻ hơn có đường kính 242m, chiều cao 40m với hình dáng miệng còn tương đối rõ nét. 

Nhà vọng cảnh của núi lửa Băng Mo từ trên xuống có thể bao quát được cánh đồng ngô, cà phê được trồng trên nền lớp phủ basalt đã phong hóa. Tuy nhiên do quá nhiều cây cối rậm rạp nên chúng tôi vẫn chưa có góc nhìn để quan sát rõ ràng hình dạng miệng núi lửa. 

Sau một chuyến đi dài khoảng 80km, điểm đến cuối ngày của chúng tôi là khu du lịch Đray Sap. Tiếng cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc khác hòa cùng tiếng ca vang vọng núi rừng của những dân tộc anh em như Thái, Mạ, M’Nông, Ê-đê,… đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người.

Hình 8. Bữa tiệc tại KDL Đray Sap, huyện Krông Nô cùng phần trình diễn của các dân tộc bản địa. 

Ngày 25 tháng  11: Khám phá hang động núi lửa C3-C4, C6.1, thác Dray Sap và thác Gia Long

  • ĐN 03 – Thác Dray Sap 

Buổi sáng thức dậy, chúng tôi gặp thêm các thành viên mới đến trong đoàn. Tranh thủ thời gian sau khi ăn sáng, mọi người rủ nhau tham quan thác Đray Sap ngay trong khuôn viên của khu du lịch. Từ cổng chào theo cầu thang xuống, men theo bờ suối, sau 10 phút đi bộ trong khu rừng, dòng thác Đray Sap hùng vĩ hiện ra trước mặt chúng tôi. 

Thác Đray Sap là một trong hệ thống 3 thác nước trên dòng Sêrêpốk (thác Đrây Sap, thác Đray Nur và thác Gia Long). Theo tiếng Ê-đê, tên Đray Sap có nghĩa là khói. Nơi đây từ lâu là địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng Tây Nguyên. Thác Đray Sap có nước chảy quanh năm nhưng hạn chế về mùa khô do đập thủy điện Buôn Cốp. 

Theo cẩm nang địa chất của CVĐCTC Đắk Nông, thác Đray Sap được hình thành cách đây 300,000 năm (?) qua 2 pha phun trào basalt. Pha đầu, dòng dung nham phủ chờm lên các thành tạo trầm tích lục nguyên cùng với việc địa hình không bằng phẳng nên dòng basalt đã lấp đầy các vùng trũng, nguội lạnh và tạo nên basalts dạng cột. Ta có thể quan sát rất rõ vách của thác lộ dạng cột với nhiều hình thái khác nhau. Pha sau, dòng dung nham xuất hiện tro, xỉ và các tảng có hình thái khác nhau phản ánh nên chuyển động của các dòng dung nham.  

Hình 9. Thác Đray Sap

Mời các bạn cùng đón xem phần 2 – Khám phá các hang động núi lửa và cánh đồng dung nham Nâm B’lang. 

HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ HANG ĐỘNG NÚI LỬA LẦN THỨ 20 VÀ HỘI THẢO KHOA HỌC  “15 NĂM PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT Ở VIỆT NAM”

Quế Nam

Sáng ngày 22 tháng 11, lễ Khai mạc Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” đã diễn tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. 

Buổi lễ được tổ chức với sự có mặt của Đại diện Văn phòng tổ chức UNESCO tại Việt Nam – Ông Christian Manhart, Chủ tịch hiệp hội Hang động Núi lửa Quốc tế  – Ông John Brush, Chủ tịch Hội đồng  Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu – Ông Guy Martini. Cùng với đó là là đại diện ban lãnh đạo tỉnh, ban quản lý CVĐCTC Đắk Nông, các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu về địa chất, núi lửa và hang động núi lửa, sinh học, khảo cổ học, đại diện các CVĐCTC trong nước và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc trực tuyến, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường – Phạm Hồng Hà nhấn mạnh sự ủng hộ từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các công viên địa chất. Thông qua các di sản địa học, đặc biệt là hang động núi lửa, như những trang nhật ký của lịch sử Trái Đất, giúp con người hiểu rõ hơn quá trình vận động và phát triển của Trái Đất, từ đó có những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 

Đây là cơ hội lớn của  Đắk Nông nói riêng và phía tỉnh nhà nói chung trong việc quảng bá và giới thiệu hình ảnh công viên địa chất cùng những di sản địa học, khảo cổ học, văn hóa, các sản phẩm địa du lịch cho bạn bè quốc tế.  

Sau đây là một số hình ảnh của Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (20th-ISV) và Hội thảo “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam”. 

Các báo cáo Keynote tại phiên toàn thể: 

Keynote 1: Sustainable use of volcanic caves – an impossible dream? (Sử dụng bền vững hang động núi lửa – một điều không thể?)  –  John Brush  

Mỗi hang động có những đặc điểm cấu tạo khác nhau, vô cùng nhạy cảm và dễ dàng bị tác động bởi yếu tố tự nhiên (thời tiết, rễ cây, sinh vật, …). Khi con người vào tham quan các hang động cũng đã tác động đến bề mặt, kết cấu và sinh vật trong hang. Tại Australia,  các hang được phân làm 5 cấp độ nhạy cảm từ đó quyết định giới hạn lượng khách vào tham quan hang. 

Keynote 2: Pyroducts (lava tubes) their genesis and importance (Ống dung nham- nguồn gốc và tầm quan trọng) – Stephan Kampe 

Ống lava (lave tubes – Pyroducts) vô cùng quan trọng trong việc đánh giá quá trình vận chuyển lava sau khi phun trào. Nguồn gốc của chúng được xét thông qua 2 mặt: thạch học và cấu trúc. Các dữ liệu về cấu trúc mái hang cũng cho biết về cách hình thành hang, từ đó quyết định các sản phẩm bên trong, nhiệt độ, hơi nước, thành phần kim loại,… 

Keynote 3: A personal account of Global Geopark development in last 15 years in the Asia Pacific region (Báo cáo cá nhân cho sự phát triển Công viên địa chất toàn cầu khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong 15 năm) – Xiaochi JIN, Coordinator of Asia Pacific Geoparks Network

Từ năm 2007, mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được thành lập, viết tắt là APGN. Hội nghị chuyên đề lần đầu tiên của APGN được tổ chức tại công viên địa chất Langkawi, Malaysia. Kể từ đó, phân bố các công viên địa chất toàn cầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phân bố nhiều hơn, với sự đa dạng về địa học, sinh học, văn hóa,… Đến năm 2021, đã có 66 công viên địa chất toàn cầu ở 8 quốc gia.  

Một số vấn thách thức mà các CVĐCTC trong mạng lưới AGPN đang đối mặt

  1. Thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc đưa ra các quyết định và quản lý 
  2. Thiếu động lực mạnh mẽ để đưa ra kế hoạch chiến lược dài hạn và phương thức cho phát triển bền vững 
  3. Thiếu đội ngũ chuyên gia cho phát triển bền vững mặc dù CVĐC có một đội ngũ nhân viên đông  
  4. Vài CVĐC thường chú trọng vào khu vực mà khách tham quan phải trả phí và không quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững ở đó. 

Các phiên Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (20th-ISV) và Hội thảo “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam” được diễn ra song song từ ngày 22/11 đến 24/11. Tiếp sau đó là chuyến thực địa tham quan các miệng núi lửa tại Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông thuộc huyện Krông Nô từ ngày 25/11 đến 26/11. 

ĐA DẠNG ĐỊA HỌC VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC

Bài viết trước cho thấy con người đã  nhận ra được tầm quan trọng của Đa dạng sinh học (ĐDSH) và ra sức bảo tồn ĐDSH từ lâu, trong khi chỉ mới gần đây chúng ta mới bắt đầu có sự nhận thức toàn cầu về Đa dạng địa học (ĐDĐH) và vẫn đang trên con đường tiến tới các hoạt động bảo tồn chúng. Một thực tế chính là nếu không có “cái nền phi sinh” – ĐDĐH thì sẽ không có ĐDSH – thế giới hữu sinh bên trên. Các nghiên cứu đã cho thấy có một sự tương đồng giữa ĐDĐH và ĐDSH. ĐDĐH và ĐDSH đều là hai yếu tố cấu trúc và động lực của «đa dạng tự nhiên», với các liên kết và các mối quan hệ phức tạp.

Sự tương đồng giữa ĐDĐH – ĐDSH

Đa dạng địa học được minh họa bởi 5.000 khoáng vật đã được phát hiện trên thế giới, trong đó có một số khoáng vật rất quý (Hình 1). Các khoáng vật được đặc trưng bởi cấu trúc tinh thể hoặc kích thước hạt, hình dạng, màu sắc và khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra hàng ngàn kiểu đá được gọi tên khác nhau. Khoảng một triệu loài hóa thạch đã được xác định, hàng triệu loài chưa được phát hiện [1], [2]. Trên bề mặt trái đất, các quá trình vật lý vẫn tiếp tục diễn ra và đã tạo nên sự đa dạng về địa chất và địa mạo rất lớn (ví dụ: bờ biển, băng hà, sườn dốc, gió, dòng chảy, phong hóa, núi lửa, kiến tạo…).

Hình 1. Các khoáng vật trên thế giới

Khoa học ghi nhận học thuyết Tiến hóa của Charles Darwin lý giải cho sự phát triển của muôn loài nhưng ít ai biết rằng Darwin chính nhờ đọc sách “Các nguyên lý địa chất” (1830) của Charles Lyell mới có thể hình thành được học thuyết của mình. Căn cứ vào sự ảnh hưởng của đa dạng địa học đối với đa dạng sinh học và sự tiến hóa của nó, có thể nhận thấy đa dạng địa học là nền tảng cho sự sống phức tạp phát triển. Các nhà khoa học trái đất ở Tasmania đã đưa ra những nhận xét về sự tương đương ĐDĐH và ĐDSH trong thế giới phi sinh (Bảng 1).

Bảng 1. Sự tương đương giữa đa dạng địa học và đa dạng sinh học

Đa dạng địa học là nền tảng của Đa dạng sinh học

ĐDĐH đã tồn tại lâu đời bắt nguồn từ sự tiến hóa ban đầu của lớp vỏ lục địa cách đây khoảng 3 tỷ năm, trong khi sự gia tăng đột biến lớn về ĐDSH phù hợp với sự phát triển của cuộc sống phức tạp, đa bào chỉ dưới 1 tỷ năm về trước [4] (Hình 2). Cần lưu ý rằng cả hai đường cong này đều dựa trên dữ liệu địa chất. Đường cong ĐDSH (Benton & Harper, 2009) dựa trên hồ sơ hóa thạch và minh họa một thời kỳ dài của sự sống đơn bào từ khoảng 3,4 tỷ đến 550 triệu năm trước (mặc dù có bằng chứng cho thấy sự sống đa tế bào có thể lâu hơn một triệu năm) tiếp theo là sự bùng nổ của các dạng sống trong kỷ Cambri và sự gia tăng đa dạng sinh học tiếp theo được nhấn mạnh bởi nhiều dòng chảy do một loạt các sự kiện tuyệt chủng. Đường cong ĐDĐH (Gray, 2008,2013) sử dụng công trình của một số tác giả trong việc tái tạo lại sự phát triển của lớp vỏ lục địa làm đại diện cho ĐDĐH vì điều này sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ khi các khối lục địa đáng kể ra đời cách đây khoảng 3 tỷ năm. Cũng cần lưu ý rằng khi sự bùng nổ sự sống ở kỷ Cambri xảy ra, phần lớn ĐDĐH của Trái đất đã có sẵn, do đó sự đa dạng của môi trường vật chất cho phép sự đa dạng hóa các loài xảy ra trong những môi trường sống khác nhau này.

Hình 2. Đường cong ĐDSH và ĐDĐH theo thời gian [5]

Dịch vụ Đa dạng địa học

Giá trị của ĐDSH được đánh giá bằng các “Dịch vụ hệ sinh thái:, và dựa vào cách tiếp cận này, Murray Gray (2012) [9] đã đề xuất cách đánh giá “Dịch vụ địa học” cho phép chúng ta có một cách nhìn nhận toàn diện hơn về giá trị mà thế giới phi sinh đã đem lại cho chúng ta.

Các giá trị tổng hợp của ĐDĐH là đáng kể và cùng nhau cung cấp cho xã hội một loạt các “dịch vụ hệ thống địa học” (geosystem services), tương đương thành phần phi sinh của “các dịch vụ hệ sinh thái”. Chúng hoàn toàn cần thiết để duy trì các xã hội hiện đại về cả mặt vật chất và tinh thần và xứng đáng được xã hội và đặc biệt là những người ra quyết định hiểu rõ hơn. Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện hơn để đánh giá, bảo tồn và quản lý thiên nhiên bao gồm cả ĐDĐH và ĐDSH và điều này đặc biệt đúng vào thời điểm các mối đe dọa đối với thiên nhiên ngày càng gia tăng do các hành động của con người và biến đổi khí hậu.

Hình 3 minh họa một sơ đồ tóm tắt có “đa dạng địa học” là điểm khởi đầu của các hàng hóa và dịch vụ phi sinh, vì điểm cơ bản là tất cả những lợi ích có được này là do sự đa dạng của nền – yếu tố phi sinh – đã mang  đến cho chúng ta một loạt các vật liệu, quy trình và giá trị phục vụ cho tồn tại và phát triển, đó là: 1) Dịch vụ điều tiết, 2) Dịch vụ hỗ trợ, 3) Dịch vụ Văn hóa, 4) Dịch vụ và hàng hóa cung cấp, 5) Dịch vụ kiến thức.

Hình 3. Sơ đồ phác thảo các hàng hóa và dịch vụ phi sinh học từ sự đa dạng địa học của hành tinh.

Như vậy rõ ràng, nếu không có ĐDĐH thì cũng sẽ không thể có ĐDSH trong tự nhiên. Do đó, bảo tồn ĐDĐH sẽ là điều tất yếu trong bảo tồn thiên nhiên nói chung và bảo tồn địa học nói riêng. Ngày Quốc tế ĐDĐH sắp tới đây sẽ là một dịp để chúng ta, những nhà khoa học cũng như cộng đồng cùng nâng cao sự hiểu biết về ĐDĐH và gìn giữ chúng bởi những giá trị hệ thống địa học mà chúng ta đang thụ hưởng trong cuộc sống hàng ngày bắt nguồn từ chính sự đa dạng của thế giới phi sinh mà từ lâu nay chúng ta không hề hay biết.

Tài liệu tham khảo

1.         Murray Gray (2004), Geodiversity: valuing and conservating abiotic nature, John Wiley & Sons Ltd, The Atrium, Southern Gate, Chichester, West Sussex PO19 8SQ, England.

2.         Gray – 2005 – Geodiversity and Geoconservation What, Why, and H.pdf. .

3.         Ng S., Li J., Fang S. và cộng sự. (2010). Geodiversity and Geoconservation in Hong Kong. Asian Geographer, 27(1–2), 1–11.

4.         Chakraborty A. và Gray M. (2020). A call for mainstreaming geodiversity in nature conservation research and praxis. Journal for Nature Conservation, 56, 125862.

5.         Murray Gray (2015). Geodiversity: a key basis for geoconservation, geoparks and geotourism. <http://www.geog.or.jp/files/club290_01.pdf&gt;.

6.         International Day for Biological Diversity, 22 May. <https://www.un.org/en/events/biodiversityday/convention.shtml&gt;, accessed: 23/05/2019.

7.         Unit B. (2016). Text of the Convention. <https://www.cbd.int/convention/text/&gt;, accessed: 23/05/2019.

8.         Murray Gray (2018). Geodiversity: The backbone of geoheritage and geoconservation. Geoheritage. Elsevier, 13–25.

9.         Gray M. (2012). Valuing Geodiversity in an “Ecosystem Services” Context. Scottish Geographical Journal, 128(3–4), 177–194.

KHÁI NIỆM & LỊCH SỬ HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM ĐA DẠNG ĐỊA HỌC

Trong khuôn khổ chào mừng ngày Quốc tế Đa dạng địa học đầu tiên 06/10/2022, Cổng thông tin Địa môi trường xin được giới thiệu chuỗi các bài viết với hy vọng sẽ chuyển tải đến các nhà khoa học, quý thầy cô và các bạn sinh viên cùng các độc giả những nội dung cơ bản nhất về Đa dạng địa học và các vấn đề liên quan.

Bảo tồn tự nhiên là một trong những vấn đề đã được quan tâm từ rất sớm, khi con người nhận thức được giá trị mà chúng mang lại. Khái niệm bảo tồn thiên nhiên đã hình thành từ khá lâu, vào khoảng năm 680 sau CN với hình thức Khu bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh [1]. Bảo tồn sinh học – bảo tồn thế giới sự sống đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học nhất là từ thế kỷ 18 tại các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Anh Quốc. Khái niệm về sự đa dạng sinh học lần đầu tiên (biological diversity) đã được đề cập trong tác phẩm The Variable Desert từ năm 1916 [2]. Cho đến năm 1972, bảo tồn tự nhiên cũng được nhắc đến trong Công ước di sản Thế giới về bảo vệ thiên nhiên và văn hóa thế giới của UNESCO. Đến năm 1988, thuật ngữ Đa dạng sinh học (ĐDSH) – “biodiversity” chính thức được Edward Osborne Wilson (cha đẻ của ĐDSH [4]) đề xuất và sử dụng trong các công bố khoa học [5]. Và đến 1992, Công ước về Đa dạng sinh học ra đời và ngày Quốc tế Đa dạng sinh học cũng được tổ chức đầu tiên vào năm 1993.

Bảo tồn sinh học và sự hình thành khái niệm đa dạng sinh học

Còn về mảng địa học, mặc dù ý thức về bảo tồn địa học cũng được hình thành từ lâu, ví dụ như bảo tồn Hang động tại Đức (1668), hay hình thành Công viên Quốc gia Yellowstone tại Mỹ để bảo tồn thiên nhiên (chủ yếu là bảo vệ giá trị địa di sản) (1872) hay các hoạt động bảo tồn tại Tasmania (Úc) trong những năm 1990s [2], nhưng khái niệm về Đa dạng địa học (ĐDĐH) và tầm quan trọng của nó đối với Trái đất vẫn chưa được thực sự quan tâm chú ý. Phần lớn trọng tâm bảo tồn thiên nhiên trong giai đoạn đó là về sinh vật –  đa dạng sinh học chứ chưa nhà khoa học nào nói đến sự quan trọng của yếu tố nền – địa học. Sự phát triển của ĐDSH đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học địa chất với câu hỏi đặt ra rằng họ cũng nên nghiên cứu sự đa dạng địa học trên trái đất này. Mãi đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, các Chương trình, tổ chức với mục tiêu bảo tồn địa học mới lần lượt ra đời như GEOSITES của IUGS (1996) và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO (2004). Và một cột mốc quan trọng là ngày Quốc tế Đa dạng địa học đã được thông qua vào năm 2021 và sẽ tổ chức lần đầu tiên vào 06/10/2022.

Bảo tồn địa học và sự hình thành khái niệm đa dạng địa học

Tương tự về quá trình bảo tồn địa học, các định nghĩa về ĐDĐH cũng xuất hiện khá lâu sau khi có khái niệm ĐDSH. Một số định nghĩa ĐDĐH được ghi nhận dưới đây.

  1. Các định nghĩa của Úc (1980s – 1990s)

Vào những năm 1980, một số khái niệm đầu tiên về các đối tượng phi sinh đã được tác giả Kevin Kiernan (Đại học Tasmania) sử dụng. Trong các nghiên cứu của mình, ông đưa các thuật ngữ như “đa dạng địa hình” (landform diversity), “đa dạng địa mạo” (geomorphic diversity), và đã vẽ sự tương đồng giữa khái niệm ĐDSH đối với các loài theo địa hình (landform species) và cộng đồng theo địa hình (landform communities) [3]. 

Và không lâu sau đó, trong nghiên cứu năm 1993, Sharples đã đưa ra thuật ngữ “Đa dạng địa học” (geodiversity) và thuật ngữ này được chính thức công nhận vào tại Malvern International Conference cũng trong năm 1993 [4] [5].

Định nghĩa phổ biến nhất về Đa dạng địa học (ĐDĐH) được đưa ra bởi Hiến chương Di sản Thiên nhiên Úc (AHC 2002): ĐDĐH có nghĩa là phạm vi tự nhiên (đa dạng) của địa chất (đá gốc), địa mạo (địa hình) và các đặc điểm, tổ hợp, hệ thống và quá trình của đất. Đa dạng địa học bao gồm bằng chứng về cuộc sống trong quá khứ, các hệ sinh thái và môi trường trong lịch sử trái đất cũng như một loạt các quá trình khí quyển, thủy văn và sinh học hiện đang tác động lên đá, địa hình và đất. [6]

2. Murray Gray (2004)

Khái niệm ĐDĐH được giới thiệu vào đầu những năm 1990 và được phát triển đầy đủ như một dạng mô hình một thập kỷ sau bởi Murray Gray trong tác phẩm Geodiversity được xuất bản lần đầu tiên năm 2004, tái bản lần hai 2013 và ĐDĐH cũng được ông định nghĩa qua các công bố năm 2005, 2012, 2013 [7], [8], [9], [10].

Murray Gray (2004 và 2013) định nghĩa rằng:

“Đa dạng địa học là sự đa dạng phạm vi tự nhiên của thành phần địa chất (đá, khoáng sản, hóa thạch), địa mạo (địa mạo, địa hình, các quá trình vật lý), đất và đặc điểm thủy văn. Chúng bao gồm các tập hợp, cấu trúc, hệ thống và những đóng góp của chúng đối với cảnh quan”. [11]

3. UNESCO (2021)

Đến năm 2021, đa dạng địa học được định nghĩa một cách hoàn chỉnh và thống nhất trong đề xuất của UNESCO trong dự thảo đề xuất ngày Quốc tế Đa dạng địa học đầu tiên của Thế giới [12]: “Đa dạng địa học được định nghĩa là sự đa dạng của các yếu tố phi sinh vật của tự nhiên – bao gồm khoáng vật, đá, hóa thạch, đất, trầm tích, địa mạo, địa hình, các quá trình địa chất và hình thái, và các đặc điểm thủy văn như sông, hồ. Đa dạng địa học làm nền tảng cho đa dạng sinh học và là cơ sở của mọi hệ sinh thái, nhưng có những giá trị riêng độc lập với đa dạng sinh học ”. [13]

#GeodiversityDay, #đadạngđịahọc

Tài liệu tham khảo

1.         Van Dyke F. (2008), Conservation biology : foundations, concepts, applications, [United States] : Springer.

2.         Brilha J. (2014). Geoconservation, History of. Encyclopedia of Mineral and Energy Policy. Springer Berlin Heidelberg, Berlin, Heidelberg, 1–3.

3.         Murray Gray (2015). Geodiversity: a key basis for geoconservation, geoparks and geotourism. <http://www.geog.or.jp/files/club290_01.pdf&gt;.

4.         Sharples C. (1993), A Methodology for the identification of significant landforms and geological sites for geoconservation purposes, Report, Forestry Commission Tasmania, Hobart, Tasmania.

5.         O’Halloran D., Geological Society of London, và Malvern International Conference on Geological and Landscape Conservation (1994), Geological and landscape conservation: proceedings of the Malvern International Conference 1993, Geological Society, London.

6.         Goudie A., btv. (2004), Encyclopedia of geomorphology, Routledge : International Association of Geomorphologists, London ; New York.

7.         Murray Gray (2004), Geodiversity: valuing and conservating abiotic nature, John Wiley & Sons Ltd, The Atrium, Southern Gate, Chichester, West Sussex PO19 8SQ, England.

8.         Gray M. (2005). Geodiversity and Geoconservation: What, Why, and How?. The George Wright Forum, 22(3), 9.

9.         Gray M. (2012). Valuing Geodiversity in an “Ecosystem Services” Context. Scottish Geographical Journal, 128(3–4), 177–194.

10.       Gray M., Gordon J.E., và Brown E.J. (2013). Geodiversity and the ecosystem approach: the contribution of geoscience in delivering integrated environmental management. Proceedings of the Geologists’ Association, 124(4), 659–673.

11.       Murray Gray (2013), Geodiversity: Valuing and Conserving Abiotic Nature, John Wiley & Sons.

12.       (2021). International Geodiversity Day – increasing global awareness of geological heritage. Eurogeologists, <https://eurogeologists.eu/international-geodiversity-day-increasing-global-awareness-of-geological-heritage/&gt;, accessed: 12/05/2021.

13.       UNESCO, Executive Board, 211th (2021). International Geodiversity Day. <https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000375688&gt;.

DỰ ÁN HỆ THỐNG THỦY LỢI CÁI LỚN – CÁI BÉ GIAI ĐOẠN 1, VẤN ĐỀ VÀ BÀI HỌC

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Về tác giả: Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.

Gắn bó trong suốt 35 năm với đồng bằng sông Cửu Long, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của đồng bằng, cho việc ứng phó với các thách thức mà đồng bằng phải đối diện, toàn cầu (biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế), khu vực (khai thác nguồn nước sông Mekong từ thượng nguồn, trong đó có việc xây dựng các đập thủy diện trên dòng chính sông Mekong) và khai thác tài nguyên tại địa bàn. Ông đã có nhiều báo cáo khoa học được chú ý tại các hội nghị trong nước và quốc tế.

Tóm tắt. Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã được long trọng khánh thành ngày 05/03/2022 cách đây 6 tuần. Công trình đã hoàn thành nhưng Dự án thì chưa. Có những vấn đề cần được làm rõ liên quan đến Dự án trong thời gian sắp tới và bài học cho quản lý nhà nước.
Thông tin cơ bản về Dự án
Trích từ Quyết định số 5078/QĐ-BNN-XD của Bộ NNvPTNT ngày 25/12/2018:
Mục tiêu của Dự án:
“- Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang;

  • Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định;
  • Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn;
  • Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.”
    Nhiệm vụ của Dự án:
    “- Kiểm soát nguồn nước (mặn, lọ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuât nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha;
  • Kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); Giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuât trong vùng;
  • Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt huyện An Minh, An Biên với những năm mưa ít; và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đối khí hậu, nước biển dâng;
  • Kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực.”

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 có ba hợp phần:
(1) Hợp phần xây dựng công trình gồm có xây dựng cống Cái Lớn, cống Cái Bé; xây dựng đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với QL 61. Chủ đầu tư của hợp phần là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng 10.
(2) Hợp phần Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Mục tiêu của hợp phần là hỗ trợ phát triển việc áp dụng các mô hình sinh kế bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học phù hợp điều kiện thực tế cho người dân ở các huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, U Minh Thượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé. Chủ đầu tư của hợp phần là Sở NNvPTNT tỉnh Kiên Giang.
(3) Hợp phần Mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Mục tiêu của hợp phần là (1) Xây dựng mô hình Lúa – Thủy sản (lúa hữu cơ và tôm sú; lúa hữu cơ và tôm càng xanh) – Mãng cầu – Màu tại xã Lương Nghĩa huyện Long Mỹ; (2) Xây dựng mô hình Khóm – Thủy sản (khóm và cá thác lác; khóm và cá nước ngọt, cá nước lợ) tại xã Hòa Tiến thành phố Vị Thanh. Các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé.
Chủ đầu tư của hợp phần là Sở NNvPTNT tỉnh Hậu Giang. Tổng mức đầu tư của Dự án là 3309,5 tỷ VNĐ. Thời gian thực hiện Dự án: hoàn thành trước 31/12/2021.

Ý kiến đối với Dự án
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về Dự án. Tác giả đã phát biểu ý kiến của mình đối với Dự án ngay từ khi Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án được ban hành (số 489/QĐ-TTg ngày 14/7/2017) và đã được đúc kết lại trong bài tham luận tại cuộc họp tham khảo ý kiến chuyên gia tại Rạch Giá ngày 07/09/2018 “Cơ sở khoa học và lý do không thể phê duyệt Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé”1 và trong bài “Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình” 2.
Sau khi Bộ NNvPTNT phê duyệt Dự án, tác giả dừng không phát biểu ý kiến. Dừng vì không biết đối với Bộ NNvPTNT dự án là dự án gì? Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 hay chỉ là Dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 như trong tên của QĐ 5078?
Nhưng dừng còn vì sự không rõ này dường như thể hiện một quan điểm “cứ thực hiện cho xong phần công trình, mọi chuyện khác tính sau một khi dự án đã vào ngàm”, cho dù tính khả thi của dự án tùy thuộc vào “các chuyện khác đó”, một quan điểm mà theo tác giả là trái với nguyên tắc quản lý tốt nhà nước!
Tốt nhất là chờ xem thực tế sẽ diễn ra như thế nào.

Cho đến nay ý kiến của tác giả đối với Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 không thay đổi mà có phần thêm khẳng định qua những khảo sát gần đây về biến động mực nước tại hai trạm thủy văn Xẻo Rô và Rạch Giá 3. (Hình 1, trái)

Khi nào Dự án hoàn thành? Hậu quả đối với ngân sách nhà nước.
Theo QĐ 5078 thì Dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Ngày 05/03/2022 đã diễn ra một sự kiện long trọng mà phông nền trên khán đài mang dòng chữ “LỄ KHÁNH THÀNH HỆ THỐNG THỦY LỢI CÁI LỚN – CÁI BÉ GIAI ĐOẠN 1”.
Chúng ta vừa khánh thành gì? Bỏ mất hai từ Dự án, không nói rõ công trình. Chỉ mới hoàn thành phần công trình, nhưng khánh thành là Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1. Hàm ý gì?
Cử tri rất muốn biết tổng mức đầu tư cho Dự án đã chi hết bao nhiêu? và điều quan trọng hơn là khi nào Dự án hoàn thành? Bởi lẽ ngân sách nhà nước không thể theo lao đã phóng, tiếp tục chi nhiều nghìn tỷ đồng và không biết trong bao nhiêu năm để đạt được Mục tiêu và Nhiệm vụ của Dự án, giả thiết là khả thi!
Khúc dạo đầu?
Giữa lúc những câu hỏi trên còn chờ được làm rõ, thì chỉ một tuần sau lễ khánh thành, đã xuất hiện trên mạng một bài báo 4 trong đó có ba đoạn rất đáng quan tậm vì có liên quan mật thiết tới Dự án trong thời gian tới. Xin trích dẫn 5:
Đoạn (A) “Theo quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé của Bộ NN-PTNT ban hành, công trình này được vận hành thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức.”
(…)
Đoạn (B) “Tuy nhiên, GS Hòa cũng lưu ý, sẽ có những tác động nhất định bởi công trình này mang tính tổng thể để kiểm soát nguồn nước chung, còn để phát huy dự án này cần phải có những công trình bên trong vùng dự án để phục vụ cho từng vùng sản xuất.
(…)
Đoạn (C) “Dựa trên giải pháp tổng thể từ dự án địa phương cần phải chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với hệ thống này. Quá trình vận hành cũng sẽ ít nhiều phát sinh những mâu thuẫn khi khu vực này cần nước ngọt, nơi kia lại cần nước mặn… Để giải quyết những vấn đề này, giai đoạn sắp tới phải có một quy trình vận hành thực sự linh hoạt”, ông Hòa nói thêm.
Người phát biểu trong các trích dẫn là Chủ nhiệm lập Dự án Hề thống Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, trong QĐ 5078. Có ba vấn đề cần được xem xét trong ba đoạn trích dẫn trên.

(1) Liên quan đến Đoạn (A).

  • Cần biết “quy trình vận hành tạm thời”, “thời gian vận hành thử nghiệm” “quy trình vận hành chính thức” được ban hành trong văn bản nào, vào thời điểm nào của Bộ. bởi lẽ quy trình vận hành là một nội dung được yêu cầu sửa đổi nhiều trong buổi họp nghiệm thu Báo cáo ĐTM của dự án. (Xem bài ở phụ chú 2). Tác giả đang chờ phản hồi từ Bộ NNvPTNT.
  • Tại sao hai năm mà không ngắn hơn hoặc dài hơn? Với chuyên môn của Viện mà Chủ nhiệm lập Dự án là Viện trưởng, việc vận hành thử nghiệm chắc chắn đã được mô phỏng số trong hai năm qua song song với xây dựng hai cống. Tại sao phải thử nghiệm thêm trong hai năm? Vì thận trọng khoa học, hay vì sau hai năm mô phỏng số vẫn chưa tìm được một quy trình vận hành các cống cho phép thực hiện Mục tiêu và Nhiệm vụ của Dự án, đặc biệt trong việc kết nối vận hành hai cống Cái Lớn, Cái Bé với vận hành hàng trăm cống đã được xây dựng trong các năm 1990, 2000 trong vùng đồng lũ nửa kín Tây sông Hậu, nằm ở đầu vào của hai sông Cái Lớn và Cái Bé? (Hình 1, phải)
Hình 1
  • Nếu xảy ra tình huống này thì tính khả thi của Dự án cần được xem xét lại. Tình huống còn chỉ ra rằng việc mô phỏng số đáng lý phải làm sớm hơn, trong giai đoạn lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để làm rõ tính khả thi của Dự án, trước khi trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
  • Tác giả cho rằng, ngay ở thời điểm này, đã có thể rút ra một bài học: Cả quy trình từ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo ĐTM, xét duyệt và nghiệm thu ĐTM, đến phê duyệt dự án cần được rà soát lại chặt chẽ hơn, tăng cường tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm, để bảo đảm ngân sách nhà nước được chi tiêu có hiệu quả. (Xem thêm 6).

(2) Liên quan đến Đoạn B.

  • Năm 2018, để thuyết minh sự cần thiết xây dựng hệ thồng thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, Báo cáo tóm tắt của Dự án dài 48 trang đã 11 lần đưa ra lập luận vì đầu tư chưa/không đồng bộ, và 7 lần viện dẫn cần đầu tư hoàn chỉnh. (Xem bài ở phụ chú1).

Lập luận trong Đoạn B giống như hai giọt nước với lập luận đã từng được đưa ra: “đầu tư phải đồng bộ, phải hoàn chỉnh”. Nghĩa là cần đầu tư tiếp cho Dự án, ở giai đoạn kế tiếp, hoặc kéo dài giai đoạn 1, nếu muốn dạt được Mục tiêu và Nhiệm vụ đề ra cho Dự án!
Đây là một khúc dạo đầu không thể rõ ràng hơn, dẫn vào một điệp khúc đã từng nghe nhưng không thú vị chút nào vì hao tài tốn của, và không thấy điểm cuối.

(3) Liên quan đến Đoạn C.
Đọc lại Mục tiêu và Nhiệm vụ của Dự án rồi đối chiếu, phân tích Đoạn C này, tác giả rất băn khoăn.
“Giai đoạn sắp tới” là giai đoạn nào, nằm ở đâu trong Dự án giai đoạn 1 (trên nguyên tắc đã hoàn thành)? “Phải có một quy trình vận hành thực sự linh hoạt”. “Thực sự linh hoạt” là như thế nào? Ai có trách nhiệm xây dựng quy trình vận hành thực sự linh hoạt này, và nhất là khi nào xong, giã thiết rằng nó tồn tại và khả thi? Từ Đoạn C chúng ta được dẫn về Đoạn A. Vòng tròn A-B-C được khép kín. Nhưng thời gian hoàn thành và tổng vốn đầu tư cho Dự án thì mở ngõ.
Thay lời kết

  • Có rất nhiều điều mà theo tác giả, các cơ quan chức năng, lập pháp và hành pháp, có thể rút ra từ Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1.
  • Tại sao có tình trạng bên này bờ bao nuôi tôm, bên kia bờ bao trồng lúa? Tại sao ở Đầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau) người dân đã phá cống ngăn mặn do chính tay họ xây nên trước đó? Tại sao trũng treo U Minh Thượng, U Minh Hạ trước đây ngậm nước ngọt quanh năm, cung cấp nước ngọt ra các địa bàn xung quanh vào mùa khô, nay lại phải bơm nước ngọt để chống cháy cho chính chúng vào mùa khô? Tại sao rừng ngập mặn, chất độc màu da cam không hũy diệt được, tái sinh sau 1975. lại bị chặt trắng trên diện rộng sau đó? v.v. …
    Những vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường trên đây cần nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo. Hãy khoan đổ lỗi cho người dân mà hãy xem lại mô hình phát triển và quản lý nhà nước đã làm gì 7.
    Người dân đồng bằng đang chờ một quy hoạch thủy lợi cho đồng bằng sông Cửu Long, mới theo tinh thần của Nghị quyết 120, để họ có được sinh kế bền vững, trong đó có quy hoạch thủy lợi cho vùng mặn của đồng bằng mà Bộ trưởng Bộ NNvPTNT đã hứa trước Quốc Hội cách đây 21 năm 8.
    Từ khóa: Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, quy trình vận hành
    các cống, Kiên Giang, Hậu Giang, khánh thành, Quyết định 498/QD-TTg phê duyệt
    chủ trương đầu tư, Quyết định 5078/QD-BNN-XD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng
    công trình.

Tài liệu tham khảo:

1 Nguyễn Ngọc Trân, 2018, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/du-an-cai-lon-cai-be-ly-do-khong-the-pheduyet-3362429 hay Cơ sở khoa học và lý do không thể phê duyệt Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé
(vnulib.edu.vn)
2 Nguyễn Ngọc Trân, 2019, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/phe-duyet-mot-dtm-va-trach-nhiem-giai-trinh3372499/ hay Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình (vnulib.edu.vn)

3 Nguyễn Ngọc Trân, 2022, http://daidoanket.vn/bien-dong-muc-nuoc-tai-xeo-ro-va-rach-gianhung-van-de-cotloi-va-tien-lieu-5680810.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
4 ‘Siêu’ cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam và những điều không ngờ đến (thanhnien.vn), ngày 12/03/2022, bài của
phóng viên Đình Tuyển.
5 Tác giả đã liên hệ với người phát biểu đề chắc chắn rằng nội dung không trái với ý đã được phát biểu.

6 Nguyễn Ngọc Trân, 2018, Luật Đầu tư công, những sửa đổi bức thiết
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/luat-dau-tu-cong-nhung-sua-doi-buc-thiet-3369530/

7 Nguyễn Ngọc Trân, 2019, “Đồng bằng sông Cửu Long, 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường”, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dbscl-44-nam-chuyen-doi-kinh-te-xa-hoi-va-moi-truong -3381677/ hay Vietnamese Mekong Delta, 44 years of economic, social and environmental transformation. Implementation of the Resolution No 120NQ-CP -5.pdf (vnulib.edu.vn)
8 Nguyễn Ngọc Trân, 2020, Thủy lợi và Nghị quyết 120/NQ-CP (vnulib.edu.vn)

  Tài liệu tập huấn Thực tập Môi trường đại cương năm 2022

Sáng nay, 15/05/2022, các thầy cô BM Khoa học môi trường đã tiến hành tập huấn cho SV trước chuyến Thực tập Môi trường đại cương. Chuyến thực tập được thực hiện trên cơ sở sinh viên năm 2 ngành KHMT đã được học các môn học sau: 

  • Khoa học Trái đất
  • Sinh thái môi trường
  • Cơ sở môi trường đất
  • Cơ sở môi trường nước
  • Địa chất môi trường
  • Hóa học môi trường
  • Bản đồ học và GIS

Thông qua môn học, thầy cô sẽ hướng dẫn sinh viên thực hành các phương pháp cơ bản trong nghiên cứu thực địa, thu thập, xử lý thông tin, tổ chức thực hiện nghiên cứu một vấn đề cụ thể và trình bày kết quả nghiên cứu. Và qua hoạt động thực hành khảo sát tại từng vị trí, sinh viên có điều kiện củng cố kiến thức đã học phần lý thuyết. Chuyến thực tập sẽ giúp sinh viên hiểu thêm về thiên nhiên, đất nước, con người; bước đầu nhận biết và đánh giá được mối quan hệ tương hỗ, nhân quả phức tạp giữa các vấn đề tài nguyên môi trường trong từng vùng..

Dưới đây là các tài liệu của chuyến thực tập.

1/Phần giảng chung về giới thiệu lộ trình chuyến đi và các nhiệm vụ học tập – Thầy Lê Tự Thành

2/ Phần nội quy và kỷ luật chuyến đi – Thầy Lê Tự Thành

3/ Phần giảng về Địa chất – địa mạo – Cô Hoàng Thị Phương Chi

4/ Phần giảng về Sinh thái – Cô Dương Thị Bích Huệ